Những điểm mới của Luật Viễn thông 2023
image_pdfimage_print

Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 (“Luật Viễn thông 2023” hay “Luật mới”). Luật Viễn thông 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, ngoại trừ một số quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu (IDC), dịch vụ điện toán đám mây và các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và thay thế Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 và được sửa đổi năm 2017 và 2018 (“Luật Viễn thông 2009” hoặc “Luật hiện hành”). 

Luật Viễn thông 2023 có một số quy định mới so với Luật Viễn thông 2009, cụ thể như sau: 

  1. Hạ tầng số 

“Hạ tầng số” được đề cập lần đầu tiên trong một văn bản Luật. Luật mới bổ sung quy định về một số thành phần chủ chốt của “hạ tầng số”, bao gồm: trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.

  1. Cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới 

Luật Viễn thông 2023: 

(a) định nghĩa lại các dịch vụ viễn thông, vẫn bao gồm các dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng nhưng với định nghĩa mới về các dịch vụ này, tương ứng như sau: 

(i) “Dịch vụ viễn thông cơ bản” là dịch vụ gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, giữa các thiết bị đầu cuối qua mạng viễn thông;

(ii) “Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng” là dịch vụ cung cấp thêm tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng thông qua việc gửi, truyền, nhận thông tin trên mạng viễn thông; và 

Điều đáng lưu ý là các định nghĩa mới nêu trên thay thế định nghĩa chung về dịch vụ viễn thông theo Luật Viễn thông 2009, danh mục dịch vụ viễn thông cơ bản và danh mục dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng theo Nghị định số 25/2011/ND-CP ngày 06/04/2011, được sửa đổi năm 2017, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông 2009. 

(b) tiếp tục khẳng định việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới cho người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể là:

 (i) Dịch vụ phải được cung cấp thông qua thỏa thuận thương mại với pháp nhân được thành lập tại Việt Nam và được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế, ngoại trừ các dịch vụ dựa trên vệ tinh được cung cấp cho các khách hàng kinh doanh ngoài biển, các tổ chức chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, các đài phát thanh và truyền hình, các văn phòng đại diện chính thức của các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự, các khu phát triển phần mềm và công nghệ cao, và các công ty đa quốc gia được cấp phép sử dụng trạm vệ tinh mặt đất; và 

(ii) Đối với các dịch vụ không có hạ tầng mạng, liên doanh sẽ được phép không hạn chế trong việc lựa chọn đối tác để cung cấp một số dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm: 

  • Dịch vụ Thoại;
  • Dịch vụ Truyền Số liệu Chuyển mạch Gói;
  • Dịch vụ Truyền Số liệu Chuyển mạch Kênh;
  • Dịch vụ Telex;
  • Dịch vụ Telegraph;
  • Dịch vụ Facsimile;
  • Dịch vụ Thuê Kênh riêng;
  • Dịch vụ Hội nghị Truyền hình;
  • Dịch vụ Truyền dẫn Tín hiệu Video, trừ truyền quảng bá;
  • Các dịch vụ Thông tin Vô tuyến, bao gồm: Dịch vụ Thoại Di động (gồm di động mặt đất và vệ tinh, dịch vụ Số liệu Di động (gồm di động mặt đất và vệ tinh), dịch vụ Nhắn tin, dịch vụ PCS, dịch vụ trung kế vô tuyến;
  • Dịch vụ Kết nối Internet (IXP);
  • Dịch vụ Mạng riêng Ảo (VPN); 

và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng Truy nhập Internet (IAS). 

Luật mới bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam tham gia thỏa thuận thương mại với tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài theo phương thức cung cấp qua biên giới tới người dùng trên lãnh thổ Việt Nam phải có phương án kỹ thuật để đảm bảo an ninh thông tin và thực hiện ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

  1. Các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, và dịch vụ OTT 

Một khía cạnh đáng chú ý của Luật Viễn thông 2023 là làm rõ các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ OTT thuộc phạm vi dịch vụ viễn thông. Trước đây, các dịch vụ này không được định nghĩa rõ ràng mà được ngầm phân loại là dịch vụ viễn thông do phạm vi rộng của thuật ngữ này khi được giải thích theo pháp luật Việt Nam. Do đó, các dịch vụ này chịu những hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thường được nêu trong Cam kết WTO của Việt Nam, tạo ra sự phức tạp về mặt pháp lý trong nhiều trường hợp trên thực tế. Hiện nay, các dịch vụ này được định nghĩa rõ ràng là dịch vụ viễn thông, trong đó: 

(a) “Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai người hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet;

(b) “Dịch vụ trung tâm dữ liệu” là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin cho người sử dụng qua mạng viễn thông bằng việc cho thuê một phần hoặc toàn bộ trung tâm dữ liệu

(c) “Dịch vụ điện toán đám mây” là dịch vụ viễn thông cung cấp tính năng xử lý, lưu trữ và truy xuất. 

Với sự ra đời của Luật mới, các cơ quan Nhà nước hiện áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng, cởi mở và linh hoạt trong việc quản lý các dịch vụ này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dùng (bằng cách yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải công bố chất lượng dịch vụ, bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân) và đảm bảo an toàn, an ninh cho các dịch vụ được cung cấp. Cụ thể, Luật Viễn thông 2023 hiện đã loại bỏ hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trước đây áp dụng cho các liên doanh nước ngoài/trong nước cung cấp các dịch vụ này. Bằng cách áp dụng cách tiếp cận phù hợp hơn để quản lý các dịch vụ này, các nhà lập pháp nhắm tới mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của các dịch vụ quan trọng này ở trong nước đồng thời hợp lý hóa các yêu cầu pháp lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ. 

  1. Miễn giấy phép viễn thông, đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông 

Luật Viễn Thông 2023 tiếp tục phát triển bốn (4) trường hợp trong đó nhà cung cấp dịch vụ được miễn giấy phép viễn thông (hoặc thủ tục đăng ký & thông báo), bao gồm: 

(a) Kinh doanh hàng hóa viễn thông;

(b) Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;
Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông; và

(c) Mạng viễn thông dùng riêng mà các thành viên mạng trực thuộc cùng một tổ chức và không tự thiết lập đường truyền dẫn viễn thông. 

Nhờ các miễn trừ, giờ đây Luật mới không còn yêu cầu việc thiết lập mạng nội bộ trong các tổ chức, ngay cả những tổ chức hoạt động ở quy mô đa quốc gia, phải xin giấy phép viễn thông (hoặc bất kỳ đăng ký và thông báo nào) nếu các thành viên mạng nội bộ không thiết lập đường truyền dẫn viễn thông của riêng mình. Đây là bước phát triển đáng kể theo Luật mới, vì lợi ích của các đơn vị trong các trường hợp được miễn trừ, đặc biệt trong thời đại mà cơ sở hạ tầng công nghệ và kết nối ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh. 

  1. Phát triển hạ tầng viễn thông 

Luật Viễn thông 2023: 

(a) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (tương tự như Luật Viễn thông 2009) ban hành danh sách thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý ngoài danh sách doanh nghiệp viễn thông và nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý và danh sách doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu đã được Luật hiện hành quy định;

(b) quy định cụ thể các công trình viễn thông bổ sung được xây dựng và lắp đặt trên tài sản công;

(c) quy định việc tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành như: chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, xây dựng…) phải thông báo để các doanh nghiệp viễn thông đăng ký sử dụng chung;

(d) quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng chung cư, công trình công cộng, khu chức năng… trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông; và

(e) bổ sung trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp và các Bộ, ngành liên quan trong việc xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông. 

  1. Đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet 

Luật Viễn thông 2023: 

(a) quy định cụ thể: (i) các hình thức cấp mã, số viễn thông, bao gồm đấu giá và cấp trực tiếp; (ii) các hình thức cấp hoặc phân bổ tài nguyên Internet của Việt Nam, bao gồm đấu giá, cấp trực tiếp và phân bổ trực tiếp; và (iii) trình tự, thủ tục đấu giá;

(b) để thị trường quyết định việc lựa chọn mã, số viễn thông đấu giá

(c) quy định giá khởi điểm cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet đưa ra đấu giá. 

  1. Xử lý “rác viễn thông”

 Luật mới bổ sung: 

(a) nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông trong việc xác thực, lưu trữ và quản lý thông tin thuê bao; xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo;

(b) nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không sử dụng thông tin cá nhân của mình để ký kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký; và

(c) hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 

  1. Gia nhập thị trường và cải cách thủ tục cấp phép 

Luật mới cấu trúc lại các giấy phép viễn thông nhằm đơn giản hóa các thủ tục và khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, đồng thời quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, có sử dụng tài nguyên tần số./.

—–

Trở lại