![Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm](https://vision-associates.com/wp-content/uploads/2018/06/1-795x385.jpg)
Ngày 01/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP (“Nghị định 46”) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (“Luật KDBH 2022”). Nghị định 46 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Riêng Điều 33, các Điều từ 35 đến 54, các Điều 81, 82, 83, các Khoản từ 1 đến 6 Điều 93 của Nghị định 46 có hiệu lực hồi tố kể từ ngày 01/01/2023.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tóm tắt một số nội dung mới đáng chú ý của Nghị định 46:
- Các điều kiện về tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
- Vốn điều lệ tối thiểu
- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được quy định như sau:
- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe: tối thiểu 750 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 600 tỷ đồng Việt Nam);
- Kinh doanh bảo hiểm nêu tại điểm (i) nói trên và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: tối thiểu 1.000 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 800 tỷ đồng Việt Nam); và
- Kinh doanh bảo hiểm nêu tại điểm (i) nói trên, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: tối thiểu 1.300 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 1.000 tỷ đồng Việt Nam).
- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 300 tỷ đồng Việt Nam);
- Kinh doanh bảo hiểm nêu tại điểm (i) nói trên và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 450 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 350 tỷ đồng Việt Nam); và
- Kinh doanh bảo hiểm nêu tại điểm (i) nói trên, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 500 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 400 tỷ đồng Việt Nam).
- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 300 tỷ đồng Việt Nam).
- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp tái bảo hiểm:
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 500 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 400 tỷ đồng Việt Nam);
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 900 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 700 tỷ đồng Việt Nam); và
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.400 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 1.100 tỷ đồng Việt Nam).
- Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:
- Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 05 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 4 tỷ đồng Việt Nam);
- Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 10 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 8 tỷ đồng Việt Nam).
- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định 46 có hiệu lực có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu quy định tại Nghị định 46, phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định, trước ngày 01/01/2028.
- Vốn được cấp tối thiểu
- Vốn được cấp tối thiểu của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài:
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe: 250 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 200 tỷ đồng Việt Nam);
- Kinh doanh bảo hiểm nêu tại điểm (i) nói trên và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 250 tỷ đồng Việt Nam); và
- Kinh doanh bảo hiểm nêu tại điểm (i) nói trên, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam (trước đây là 300 tỷ đồng Việt Nam).
- Vốn được cấp tối thiểu của chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (đây là quy định mới):
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 450 tỷ đồng Việt Nam; và
- Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam.
- Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định 46 có hiệu lực có số vốn được cấp thấp hơn mức vốn được cấp tối thiểu quy định tại Nghị định 46, phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn được cấp và ký quỹ theo quy định, trước ngày 01/01/2028.
- Điều kiện về tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
- Theo quy định của Nghị định 46, tổ chức góp từ 10% vốn điều lệ trở lên để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại các Điều 64, 65 và 66 của Luật KDBH 2022 và các điều kiện về tài chính sau:
- Tổ chức góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu: phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu lớn hơn hoặc bằng số vốn dự kiến góp;
- Tổ chức góp vốn là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật KDBH, Luật Chứng khoán: phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn. Trường hợp pháp luật liên quan không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản chấp thuận thì tổ chức góp vốn phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc này;
- Tổ chức góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài: phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi các tổ chức này đóng trụ sở chính cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp pháp luật liên quan không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản cho phép thì tổ chức góp vốn phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc này; và
- Có báo cáo tài chính 3 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.
Về cơ bản, những điều kiện này giống với quy định của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật KDBH 2000, đã được sửa đổi và bổ sung (“Nghị định 73”). Tuy nhiên, so với Nghị định 73, các điều kiện này được quy định chi tiết hơn trong Nghị định 46.
- Nghị định 46 cũng nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại Điều 67 của Luật KDBH 2022 và điều kiện về tài chính, bao gồm cả những điều kiện được quy định tại các điểm (i) và (iv) ở trên.
Về cơ bản, những điều kiện này giống với quy định của Nghị định 73.
- Điều kiện tăng vốn
Lần đầu tiên, Nghị định 46 quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm muốn tăng vốn điều lệ, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam muốn tăng vốn được cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Việc tăng vốn điều lệ, vốn được cấp được thực hiện bằng tiền Đồng Việt Nam;
- Cổ đông, thành viên góp vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của các tổ chức, cá nhân khác để bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; và
- Đối với công ty cổ phần, sau khi tăng vốn điều lệ, phải bảo đảm đáp ứng điều kiện về cơ cấu cổ đông quy định tại Điều 66 của Luật KDBH 2022.
Tuy nhiên, các công ty cổ phần được thành lập trước ngày 01/01/2023, sẽ chỉ phải đáp ứng điều kiện về cơ cấu cổ đông được quy định tại Điều 66 của Luật KDBH 2022, kể từ ngày 01/01/2026.
- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn mới thì cổ đông, thành viên góp vốn mới này phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều 64 và Điều 65 của Luật KDBH 2022.
- Điều kiện giảm vốn
- Lần đầu tiên, Nghị định 46 quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam muốn giảm vốn điều lệ, vốn được cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tài chính theo quy định tại Nghị định 46; và
- Sau khi giảm vốn điều lệ, vốn được cấp; đảm bảo các quy định về vốn, biên khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật và điều kiện về cơ cấu cổ đông được quy định tại Điều 66 của Luật KDBH 2022 đối với công ty cổ phần.
- Nghị định 46 giữ nguyên hạn chế của Nghị định 73, theo đó không cho phép giảm vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm
So với Nghị định 73, Nghị định 46 quy định những điều kiện chặt chẽ hơn đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm. Cụ thể:
- Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;
- Người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính (“BTC”);
- Tại mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý. Tại mỗi phòng giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 1 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý;
- Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm khai thác qua tổ chức đại lý;
- Có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý. Quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý; việc xử lý vi phạm đối với các nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý khi trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý; và
- Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Tổ chức khác (không phải là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài) hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có tối thiểu 3 nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; và
- Có quy trình giám sát việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật KDBH 2022 đối với các nhân viên hoạt động đại lý bảo hiểm.
- Các tổ chức hiện đang hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện mới của Nghị định 46 trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định 46 có hiệu lực. Như vậy, hạn chót để tất cả các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quy trình tư vấn là ngày 01/7/2024.
- Cung cấp dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm qua biên giới
Nghị định 46 giữ nguyên quy định của Nghị định 73 áp dụng đối với các dịch vụ tái bảo hiểm, bảo hiểm hàng hải quốc tế, bảo hiểm hàng không quốc tế, môi giới tái bảo hiểm quốc tế. Theo đó, việc cung cấp các dịch vụ này qua biên giới sẽ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và thông lệ tốt nhất.
Đối với các dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm còn lại:
- Đối tượng cung cấp dịch vụ
Giống với Nghị định 73, Nghị định 46 quy định đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm qua biên giới là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài có trụ sở chính tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại trong đó có thỏa thuận về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.
- Đối tượng sử dụng dịch vụ
Khác với Nghị định 73, Nghị định 46 đã mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ bảo hiểm cung cấp qua biên giới, bao gồm tất cả các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (thay vì chỉ các doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% như quy định tại Nghị định 73) và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (giống với quy định của Nghị định 73).
- Bảo hiểm hưu trí
Đây là loại hình bảo hiểm mới, lần đầu tiên được quy định tại Nghị định 46:
- Loại bảo hiểm hưu trí
- Bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân; và
- Bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động (bảo hiểm hưu trí nhóm), theo đó bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm.
- Quyền lợi bảo hiểm cơ bản của hợp đồng bảo hiểm hưu trí
Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động thiết kế sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đối với quyền lợi hưu trí định kỳ: Quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 10 năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm; và
- Đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro: Bên mua bảo hiểm được hưởng trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Nghị định 46 quy định rõ quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm: Quyền lợi trợ cấp mai táng và Quyền lợi bảo hiểm tử vong và quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
- Thiết lập và quản lý quỹ hưu trí tự nguyện
Khi triển khai bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, theo dõi, tách và hạch toán riêng doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của quỹ hưu trí tự nguyện với các quỹ chủ hợp đồng khác và quỹ chủ sở hữu.
Khi thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng quỹ chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện không thấp hơn 200 tỷ đồng Việt Nam và phải duy trì tối thiểu 200 tỷ đồng Việt Nam tại quỹ này.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được sử dụng tài sản của quỹ hưu trí tự nguyện để chi trả các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật, các khoản nợ và các giao dịch không liên quan đến quỹ hưu trí tự nguyện.
- Hạn mức đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện
Hạn mức đầu tư vào từng danh mục tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện phải phù hợp với chính sách đầu tư, mục tiêu đầu tư quy định tại phương pháp, cơ sở tính phí của sản phẩm đã đăng ký với BTC và quy định sau:
- Gửi tiền tại tổ chức tín dụng: không hạn chế nhưng tối đa 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện vào một tổ chức tín dụng;
- Công cụ nợ của Chính phủ: không hạn chế và bảo đảm tối thiểu 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện;
- Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm: tối đa 25% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện;
- Cổ phiếu (trừ cổ phiếu của các công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính), trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm, góp vốn vào các doanh nghiệp khác: tối đa 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện; và
- Đầu tư vào cổ phiếu đã phát hành của một doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp: tối đa 5% khối lượng mỗi lần phát hành và tối đa 5% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện.
—–