Các yêu cầu mới của pháp luật về phòng, chống rửa tiền
image_pdfimage_print

Ngày 28/7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNNVN”) ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 (“Thông tư 09”). Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 28/7/2023; ngoại trừ các quy định về quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, quy định về chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, quy định về chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử và các mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023.

Theo đó Thông tư 09 đặt ra một số yêu cầu mới đáng chú ý như sau:

1. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền

(a) Căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền, đối tượng báo cáo xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền phải được thể hiện theo từng bước phù hợp với quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo để quản lý rủi ro về rửa tiền và bao gồm các nội dung tối thiểu sau:

(i) Xác định phạm vi, mục tiêu của hoạt động quản lý rủi ro về rửa tiền;
(ii) Xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo;
(iii) Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, trung bình, cao dựa vào các yếu tố sau: khách hàng; sản phẩm, dịch vụ khách hàng đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng; vị trí địa lý nơi khách hàng cư trú hoặc có trụ sở chính và yếu tố khác do đối tượng báo cáo tự xác định, phân loại phù hợp với thực tế phát sinh và được quy định trong quy trình quản lý rủi ro;
(iv) Quy trình để nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới;
(v) Quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, không đầy đủ các thông tin theo yêu cầu;
(vi) Các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng, bao gồm tần suất cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, mức độ giám sát giao dịch của khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ và biện pháp tăng cường.

(b) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, sau lần đầu thiết lập quan hệ với khách hàng, khi áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền (PCRT), đối tượng báo cáo được lựa chọn áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ sau:

(i) Không thu thập thông tin về mục đích, bản chất mối quan hệ kinh doanh nếu thông qua các loại giao dịch hoặc mối quan hệ kinh doanh đã được thiết lập xác định được mục đích và bản chất mối quan hệ kinh doanh;
(ii) Giảm tần suất cập nhật thông tin nhận biết khách hàng so với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình;
(iii) Giảm mức độ giám sát giao dịch của khách hàng so với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình.

(c) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về PCRT.

(d) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao, ngoài việc áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về PCRT, đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường, bao gồm:

(i) Có sự phê duyệt của cấp quản lý cao hơn ít nhất một cấp so với cấp phê duyệt áp dụng đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình về việc thiết lập hoặc tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh với khách hàng có rủi ro cao;
(ii) Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin của khách hàng cá nhân để phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng, bao gồm các thông tin tối thiểu sau: Mức thu nhập trung bình hàng tháng của khách hàng trong thời gian ít nhất 06 tháng gần nhất trước thời điểm đánh giá; thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở noi làm việc hoặc nơi khách hàng có thu nhập chính (nếu có); thông tin liên quan đến nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch của khách hàng;
(iii) Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin của khách hàng tổ chức để phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng, bao gồm các thông tin tối thiểu sau: ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo doanh thu chính; tổng doanh thu trong 02 năm gần nhất trước thời điểm đánh giá; thông tin liên quan đến nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch của khách hàng;
(iv) Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin khác (nếu có) phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng;
(v) Giám sát tăng cường các giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo, mối quan hệ kinh doanh thông qua việc áp dụng các biện pháp kiểm soát và chọn mẫu giao dịch để kiểm tra, bảo đảm giao dịch của khách hàng phù hợp với mục đích, bản chất của mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với đối tượng báo cáo, hoạt động kinh doanh của khách hàng; kịp thời phát hiện dấu hiệu đáng ngờ và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ;
(vi) Tăng tần suất cập nhật thông tin nhận biết khách hàng so với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình.

2. Quy định nội bộ về PCRT

(a) Một số nội dung trong quy định nội bộ về PCRT của đối tượng báo cáo là tổ chức được hướng dẫn cụ thể như sau:

(i) Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng bao gồm việc thu thập, cập nhật, xác minh thông tin theo quy định của pháp luật về PCRT và có các nội dung quy định về các trường hợp nhận biết, thông tin nhận biết, cập nhật; phân cấp trách nhiệm nhận biết khách hàng theo mức độ rủi ro và theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo.
(ii) Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo phải bao gồm các nội dung tối thiểu được nêu tại Khoản (a), Mục 1 ở trên.
(iii) Quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin: quy định theo các Điều 38 và 40 của Luật PCRT.
(iv) Quy định về áp dụng biện pháp tạm thời: quy định theo Điều 44 của Luật PCRT và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCRT.
(v) Quy định về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho NHNNVN và cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền, bao gồm quy định về cách thức, quy trình báo cáo, cung cấp thông tin nhằm bảo đảm thời hạn và nội dung báo cáo theo quy định của pháp luật.
(vi) Quy định về tuyển dụng nhân sự phải bao gồm các quy định để nhận biết, lựa chọn nhân sự được tuyển dụng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; đào tạo kiến thức cơ bản về PCRT trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
(vii) Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCRT, bao gồm: quy định của pháp luật và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm khi không thực hiện các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về PCRT; phương thức, thủ đoạn rửa tiền; rủi ro về rửa tiền liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; nhiệm vụ mà lãnh đạo, nhân viên được giao thực hiện.
(viii) Nội dung kiểm toán nội bộ về PCRT, bao gồm: kiểm tra, rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ quy định nội bộ và quy định của pháp luật về PCRT; kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác PCRT. Việc kiểm toán nội bộ về PCRT có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các nội dung khác nhưng phải là một nội dung riêng trong báo cáo kiểm toán. Trong trường hợp đối tượng báo cáo không phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, đối tượng báo cáo phải đảm bảo thực hiện kiểm soát việc tuân thủ quy định nội bộ và quy định của pháp luật về PCRT.
(ix) Nội dung trách nhiệm của cá nhân, bộ phận có liên quan trong việc thực hiện công tác PCRT phải bảo đảm:
• Phân công một người quản lý của đối tượng báo cáo hoặc người được người quản lý ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về PCRT;
• Tùy theo quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động, đối tượng báo cáo phải thành lập bộ phận chuyên trách (tổ, phòng, ban) hoặc chỉ định một bộ phận hoặc chỉ định một người chịu trách nhiệm về PCRT tại trụ sở chính; phân công một hoặc một số người hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về PCRT tại chi nhánh, công ty con của đối tượng báo cáo có liên quan đến nghiệp vụ PCRT (nếu có).

(b) Đối tượng báo cáo có trách nhiệm:

(i) Hằng năm, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCRT cho lãnh đạo, nhân viên có liên quan đến công tác PCRT (bao gồm cả nhân viên được giao nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng);
(ii) Hằng năm, rà soát, cập nhật các quy định của pháp luật về PCRT, chính sách, quy trình quản lý rủi ro phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo và tình hình thực tế thực hiện để đánh giá quy định nội bộ và xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp; gửi quy định nội bộ về PCRT cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT thuộc NHNNVN (“Cơ quan chức năng PCRT”) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định nội bộ về PCRT;
(iii) Hằng năm, gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về PCRT tại đối tượng báo cáo cho Cơ quan chức năng PCRT trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính trừ các đối tượng báo cáo không phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật;
(iv) Đăng ký thông tin về họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để liên lạc khi cần thiết của người chịu trách nhiệm về PCRT hoặc người đầu mối thuộc bộ phận này; địa chỉ thư điện tử của bộ phận (nếu có) cho Cơ quan chức năng PCRT;
(v) Thông báo bằng văn bản cho Cơ quan chức năng PCRT khi thông tin quy định tại điểm (iv) có thay đổi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thay đổi thông tin.

3. Chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo

(a) Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định cho Cơ quan chức năng PCRT bằng dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản giấy khi chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho việc báo cáo.

(b) Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt có giá trị lớn để mua Đồng Việt Nam hoặc nộp tiền mặt bằng Đồng Việt Nam có giá trị lớn để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp tiền mặt.

4. Chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ

(a) Khi phát hiện giao dịch đáng ngờ theo quy định, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo cho Cơ quan chức năng PCRT:

(i) bằng văn bản giấy theo mẫu quy định; hoặc
(ii) bằng dữ liệu điện tử khi triển khai thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho việc báo cáo bằng dữ liệu điện tử theo quy định (không áp dụng trong trường hợp phát hiện giao dịch đáng ngờ do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan đến tội phạm mà đối tượng báo cáo phải báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và NHNNVN trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện).

(b) Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa.

(c) Cơ quan chức năng PCRT có trách nhiệm xác nhận việc đã nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ thông qua hình thức gửi thư điện tử đến địa chỉ thư điện tử của cá nhân hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về PCRT hoặc bằng văn bản giấy trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ; trao đổi với đối tượng báo cáo những vấn đề phát sinh (nếu có).

(d) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải xem xét, thu thập, phân tích thông tin để báo cáo giao dịch đáng ngờ khi kinh doanh dịch vụ kế toán; thực hiện thủ tục công chứng, thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất; quản lý tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý công ty; tham gia vào hoạt động mua, bán doanh nghiệp thay mặt khách hàng.

5. Giao dịch chuyển tiền điện tử trong PCRT

(a) Tổ chức tài chính tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử bao gồm:

(i) Tổ chức tài chính khởi tạo là tổ chức khởi tạo lệnh chuyển tiền điện tử và thực hiện chuyển tiền thay mặt cho người khởi tạo;
(ii) Tổ chức tài chính trung gian là tổ chức nhận và chuyển lệnh chuyển tiền điện tử thay mặt cho tổ chức tài chính khởi tạo và tổ chức tài chính thụ hưởng hoặc thay mặt cho tổ chức tài chính trung gian khác;
(iii) Tổ chức tài chính thụ hưởng là tổ chức nhận lệnh chuyển tiền điện tử trực tiếp từ tổ chức tài chính khởi tạo hoặc thông qua tổ chức tài chính trung gian và thực hiện chi trả cho người thụ hưởng.

Tổ chức tài chính trong nước là tổ chức tài chính khởi tạo trong giao dịch chuyển tiền điện tử chỉ được thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử khi lệnh chuyển tiền điện tử có đầy đủ, chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối.

Tổ chức tài chính trong nước là tổ chức tài chính trung gian tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử phải bảo đảm:

(i) Có biện pháp để xác định các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối;
(ii) Áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp bao gồm từ chối hoặc tạm dừng giao dịch hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối.

Tổ chức tài chính trong nước là tổ chức tài chính thụ hưởng trong giao dịch chuyển tiền điện tử phải bảo đảm:

(i) Có biện pháp để xác định các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối;
(ii) Áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp bao gồm từ chối hoặc tạm dừng giao dịch hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối.

(b) Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử:

(i) Đối tượng báo cáo có trách nhiệm thu thập thông tin và báo cáo cho Cơ quan chức năng PCRT bằng dữ liệu điện tử theo quy định khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử trong các trường hợp sau đây:
• Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử cùng ở Việt Nam (“giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước”) có giá trị giao dịch từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương;
• Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (“giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế”) có giá trị giao dịch từ 1.000 Đô-la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
(ii) Trường hợp đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính trung gian trong giao dịch chuyển tiền điện tử thì không phải thực hiện báo cáo.
(iii) Nội dung báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử tối thiểu gồm các thông tin sau:
• Thông tin về tổ chức tài chính khởi tạo và thụ hưởng bao gồm: tên giao dịch của tổ chức hoặc chi nhánh giao dịch; địa chỉ trụ sở chính (hoặc mã ngân hàng đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, mã SWIFT đối với chuyển tiền điện tử quốc tế); quốc gia nhận và chuyển tiền;
• Thông tin về khách hàng là cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh; số Chứng minh nhân dân hoặc số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu; số thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ đăng ký thường trú hoặc nơi ở hiện tại khác (nếu có); quốc tịch (theo chứng từ giao dịch);
• Thông tin về khách hàng là tổ chức tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt (nếu có); địa chỉ trụ sở chính; số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; quốc gia nơi đặt trụ sở chính;
• Thông tin về giao dịch: số tài khoản (nếu có); số tiền; loại tiền; số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (nếu loại tiền giao dịch là ngoại tệ); lý do, mục đích giao dịch; mã giao dịch; ngày giao dịch;
• Thông tin khác theo yêu cầu của Cơ quan chức năng PCRT để phục vụ công tác quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền trong từng thời kỳ.
(iv) Các thông tin về ngày, tháng, năm sinh, số Chứng minh nhân dân hoặc số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu, số thị thực nhập cảnh (nếu có); số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế là không bắt buộc đối với:
• Người thụ hưởng trong giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài;
• Người khởi tạo trong giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam.
(v) Các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo bao gồm:
• Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ;
• Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

(c) Hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử:

(i) Hình thức báo cáo dữ liệu điện tử:
• Đối tượng báo cáo thiết lập đường truyền, kết nối mạng truyền tin với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua Cục Công nghệ thông tin để gửi báo cáo, thông tin về PCRT;
• Báo cáo dữ liệu điện tử được truyền qua đường truyền, mạng truyền tin nêu trên. Báo cáo dữ liệu điện tử phải theo đúng định dạng dữ liệu, cấu trúc file theo hướng dẫn của Cơ quan chức năng PCRT;
• Đối tượng báo cáo được phép thực hiện chuyển tiền điện tử phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để quét, lọc theo danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị; phát hiện, cảnh báo dấu hiệu đáng ngờ nhằm mục đích PCRT.
(ii) Thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử:
Đối tượng báo cáo phải gửi báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trước 16 giờ ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày phát sinh giao dịch. Nếu ngày gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.
(iii) Chỉnh sửa, bổ sung báo cáo dữ liệu điện tử:
• Khi đối tượng báo cáo phát hiện gửi thiếu báo cáo, đối tượng báo cáo phải có văn bản giải trình và gửi báo cáo bổ sung trong 01 ngày làm việc sau khi có văn bản xác nhận của Cơ quan chức năng PCRT. Khi đối tượng báo cáo phát hiện thông tin, dữ liệu báo cáo đã gửi cho Cơ quan chức năng PCRT có sai sót, đối tượng báo cáo phải có văn bản hoặc thư điện tử giải trình, chỉnh sửa và gửi lại báo cáo trong 01 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện;
• Khi đối tượng báo cáo nhận được thông báo của Cơ quan chức năng PCRT về việc thiếu hoặc sai sót của báo cáo, đối tượng báo cáo phải có văn bản hoặc thư điện tử giải trình, bổ sung hoặc chỉnh sửa và gửi lại báo cáo chậm nhất trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo;
• Khi đối tượng báo cáo nhận được thông báo của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về việc rà soát, bổ sung báo cáo, đối tượng báo cáo phải thông báo cho Cơ quan chức năng PCRT và có văn bản giải trình, gửi báo cáo chỉnh sửa, bổ sung sau khi có văn bản xác nhận của Cơ quan chức năng PCRT.
(iv) Đối tượng báo cáo phải đăng ký bằng văn bản với Cơ quan chức năng PCRT về người phụ trách báo cáo bằng dữ liệu điện tử, bao gồm các thông tin: họ tên, chức vụ, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và phải thông báo bằng văn bản khi có sự thay đổi thông tin về người phụ trách báo cáo này.

—–

Trở lại