Ngày 29/06/2024 Quốc hội đã ban hành Luật Bảo hiểm Xã hội số 41/2024/QH15 (“Luật BHXH 2024”). Luật BHXH 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025 và thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 84/2015/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Bộ luật số 45/2019/QH14 (“Luật BHXH 2014”), và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (“BHXH”) một lần đối với người lao động. Luật BHXH 2024 được ban hành nhằm khắc phục bất cập của Luật BHXH 2014, để phù hợp với Bộ luật Lao động 2019 và cụ thể hóa các mục tiêu do Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/05/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách chính sách BHXH (“Nghị quyết 28”) đề ra như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa quản lý BHXH; tạo thuận lợi, minh bạch cho người tham gia và thụ hưởng BHXH; v.v.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số điểm mới, điểm sửa đổi, bổ sung của Luật BHXH 2024 so với Luật BHXH 2014, đáng chú ý đối với các doanh nghiệp và người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định như sau:
- Đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH
Luật BHXH 2024:
(a) Sửa đổi quy định về người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, những người làm việc theo hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác (thay vì phải là HĐLĐ theo Luật BHXH 2014) nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
(b) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm cả những người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên không hưởng tiền lương và người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
(c) Bổ sung trường hợp trong tháng đầu làm việc hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì vẫn phải đóng BHXH của tháng đó.
Bên cạnh đó, Luật BHXH 2024 cũng bổ sung một số trường hợp không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm cả:
(a) Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khi làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ khi Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác; và
(b) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương đã đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 06 tháng thì vẫn phải tiếp tục tham gia như các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu theo quy định.
- Điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu
Luật BHXH 2024 quy định người tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên (giảm từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên theo Luật BHXH 2014).
Việc sửa đổi này nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Việc sửa đổi này cũng đồng thời khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.
- Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
Luật BHXH 2024 làm rõ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là tiền lương tháng, bao gồm: (a) mức lương theo công việc hoặc chức danh, (b) phụ cấp lương, và chỉ (c) các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương (thu hẹp từ tất cả các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động theo Luật BHXH 2014).
- Thời hạn đóng BHXH bắt buộc
Luật BHXH 2024 kéo dài thời hạn đóng BHXH bắt buộc đối với người sử dụng lao động. Theo đó, đối với phương thức đóng BHXH hằng tháng, người sử dụng lao động có thể đóng BHXH bắt buộc (phần nghĩa vụ của người sử dụng lao động) chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng tiếp theo (theo Luật BHXH 2014, là ngày cuối cùng của tháng).
- Mức lương hưu hằng tháng
Luật BHXH 2024 giữ nguyên quy định của Luật BHXH 2014 theo đó:
(a) Đối với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
(b) Đối với lao động nam, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Tuy nhiên, Luật BHXH 2024:
(a) sửa đổi quy định về mức lương hưu hằng tháng của người hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động; theo đó trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1% (ngược hẳn với quy định của Luật BHXH 2014 theo đó trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi); và
(b) bổ sung quy định về:
(i) Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng sẽ bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
(ii) Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động làm việc ở các quốc gia khác nhau; theo đó, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm, thì mỗi năm trong thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế được tính bằng 2,25% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH (tức là ngang với mức hưởng của người lao động nam làm việc tại Việt Nam có 20 năm đóng BHXH như nói trên). Quy định này nhằm thúc đẩy triển khai các hiệp định về BHXH với các nước như Hàn Quốc, trong đó có thỏa thuận về tính tổng thời gian tham gia BHXH theo pháp luật của hai bên ký kết để xác định các điều kiện cho các chế độ BHXH theo pháp luật của mỗi bên đối với người lao động làm việc ở cả hai quốc gia.
- Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Luật BHXH 2024 giữ nguyên quy định của Luật BHXH 2014 cho phép lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm và lao động nữ có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm khi nghỉ hưu ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn cho đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Luật BHXH 2024 bổ sung quy định về trợ cấp một lần sau khi đủ điều kiện nghỉ hưu nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp một lần trước khi nghỉ hưu sẽ bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn 35 năm đối với lao động nam và 30 năm đối với lao động nữ kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
- Hưởng BHXH một lần
Luật BHXH 2024 bổ sung thêm nhiều trường hợp đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần như:
(a) Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH. Trong trường hợp này, người lao động không hưởng BHXH một lần có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng;
(b) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
(c) Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm;
(d) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam; và
(e) Người lao động khi chấm dứt HĐLĐ hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
- Quản lý thu, đóng BHXH và các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt là trong việc chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, giúp đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động, Luật BHXH 2024 đã giải thích rõ thế nào chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”) và bổ sung:
(a) Quy định quản lý thu, đóng BHXH, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; và
(b) Các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH như sau:
(c) Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày (tương tự như tiền chậm nộp thuế) tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN đối với tất cả các trường hợp chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; và
(d) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
- Sổ BHXH
Ngoài sổ BHXH bằng bản giấy, lần đầu tiên Luật BHXH 2024 có quy định mới về sổ BHXH được xây dựng trên môi trường điện tử và được cấp cho từng người lao động. Sổ BHXH được cấp bằng bản điện tử và bản giấy có giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế, Luật BHXH 2014 có quy định chuyển tiếp, theo đó (a) chậm nhất là ngày 01 tháng 01 năm 2026 sẽ thực hiện việc cấp sổ BHXH bằng bản điện tử, (b) kể từ thời điểm đó, sổ BHXH bằng bản giấy chỉ được cấp khi người tham gia BHXH có yêu cầu, và (c) trong thời gian từ nay tới thời điểm đó, sổ BHXH bằng bản giấy vẫn tiếp tục được sử dụng.
Luật BHXH 2024 cũng rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH bắt buộc còn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo Luật BHXH 2014, thời hạn này là 20 ngày).
—–