Môi Trường Chính Trị & Pháp Luật

Hệ thống Chính trị 

Hiến pháp nói chung thiết lập quyền làm chủ của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ quan đại diện cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Quyền của người dân được thực hiện thông qua Quốc hội ở cấp trung ương và Hội đồng Nhân dân (“HĐND”) ở các cấp địa phương khác nhau.

Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất và cơ quan lập pháp, quyết định cả chính sách đối nội và đối ngoại. Đại biểu Quốc hội được bầu ra qua quá trình bầu cử phổ thông. Quốc hội bầu và có thể miễn nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Bên cạnh đó, Quốc hội có nhiệm vụ phê chuẩn việc Thủ tướng lựa chọn các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng.

Quốc hội cũng có nhiệm vụ phê chuẩn cơ cấu tổ chức của Chính phủ và các cơ quan Chính phủ, và là cơ quan lập pháp tối cao. Nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm và việc bầu cử được tiến hành 2 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quản lý các vấn đề hàng ngày của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không tiến hành họp và trong thời gian này, Ủy ban Thường vụ thực hiện các quyền được giao, bao gồm quyền lập pháp về các vấn đề được Quốc hội ủy nhiệm.

Người đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch nước, do Quốc hội bầu ra, đại diện cho quốc gia trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.

Cơ quan hành pháp cao nhất tại Việt Nam là Chính phủ, trước đây là Hội đồng Bộ trưởng. Cơ quan này nói chung được giao nhiệm vụ quản lý nền kinh tế. Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, người đứng đầu các Ủy ban của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các bộ và cơ quan ngang bộ hỗ trợ Thủ tướng trong việc quản lý đất nước trong các lĩnh vực cụ thể thuộc thẩm quyền của mình. Các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng do Thủ tướng lựa chọn, nhưng phải do Quốc hội phê chuẩn. Ngoại trừ vị trí Thủ tướng, các thành viên Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Quyết định về các vấn đề chính phải được đa số thống nhất.

Dưới Chính phủ là Ủy ban Nhân dân (“UBND”) và HĐND ở các cấp địa phương khác nhau. HĐND do người dân bầu ra, và HĐND bầu ra UBND. Các cơ quan này có tại cấp tỉnh/thành phố, huyện/quận và xã/phường. Mỗi tỉnh/thành phố, huyện/quận hoặc xã/phường do một UBND quản lý.

Tòa án và hệ thống viện kiểm sát tại Việt Nam có cơ cấu tương tự như hệ thống cơ quan hành pháp. Ở trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất tại Việt Nam và Chánh án do Quốc hội bầu ra. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có quyền khởi tố cao nhất tại Việt Nam, và Viện trưởng cũng do Quốc hội bầu ra. Ở cấp địa phương, các cơ quan này có tại cấp khu vực, tỉnh/thành phố và huyện/quận.

Thông tin cụ thể về hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước được nêu tóm tắt như sau:

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Chủ tịch nước Võ Xuân Thưởng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
 Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Các Phó Thủ tướng (4)

Lê Minh Khái

Lê Văn Thành

Trần Hồng Hà

Trần Lưu Quang

 Các Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng
Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang
Bộ Công an Tô Lâm
Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
 Các cơ quan Nhà nước khác
Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí

Hệ thống Pháp luật

Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật bao gồm Hiến pháp, bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị và ở một chừng mực nào đó là công văn. Tất cả các văn bản pháp luật nói trên (trừ công văn) đều có hiệu lực pháp luật chung, song chỉ có các văn bản pháp luật do Quốc hội ban hành mới được gọi là bộ luật, luật.

Pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, thông thường để điều chỉnh một lĩnh vực mà chưa thể ban hành luật. Trong phạm vi các vấn đề Quốc hội ủy nhiệm cho Chính phủ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hoặc Quyết định, Chỉ thị để thực hiện luật hoặc pháp lệnh đã ban hành.

Các Thông tư, Quyết định và Quy định thường do các Bộ và Cơ quan Nhà nước khác gồm có Ủy ban Nhân dân ban hành, và thường về các vấn đề thuộc thẩm quyền trách nhiệm và quyền ban hành văn bản pháp luật của cơ quan đó.

Một lưu ý khi nói tới văn bản pháp luật là đối với bộ luật, luật và pháp lệnh thì thường gọi tên, còn nghị định, quyết định, thông tư và chỉ thị thường đi kèm với số, ngày ký, và cơ quan ban hành, và trích yếu nội dung chính của văn bản luật.