Tổng Quan

1. TỔNG QUAN

1.1 Lịch sử

Mặc dù mới ra đời hơn hai thập kỷ nhưng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những ngành luật phát triển nhanh nhất tại Việt Nam và pháp luật về Sở hữu Trí tuệ vẫn đang được tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện. Vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp ở Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1981 cùng với việc ban hành Pháp lệnh về Sáng kiến và Cải tiến Kỹ thuật năm 1981 trong đó chú trọng vào việc bảo hộ quyền nhân thân của người sáng tạo/cải tiến hơn là vấn đề quyền sở hữu. Trong giai đoạn từ năm 1981 tới năm 1989, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ đơn thuần mang tính hành chính mặc dù một số lượng đáng kể các văn bản pháp luật về Nhãn hiệu hàng hoá (1982), Giải pháp hữu ích (1988), Kiểu dáng công nghiệp (1988), Chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp (cấp li-xăng) (1988) và quyền tác giả (1986) đã được ban hành.

Việc ban hành Pháp lệnh về Bảo hộ Quyền Sở hữu Công nghiệp ngày 28 tháng 01 năm 1989 (“Pháp lệnh 1989”) đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hoạt động bảo hộ sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Pháp lệnh 1989 đã đưa ra các căn cứ bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá với những thay đổi mang tính toàn diện, đặc biệt là sự thừa nhận quyền độc quyền sáng chế. Tiếp theo Pháp lệnh 1989, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 84-HĐBT sửa đổi,bổ sung một số điều liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp cụ thể đã được quy định trước đó vào năm 1990. Pháp lệnh về Quyền tác giả năm 1994 cũng quy định mức độ bảo hộ cao hơn đối với quyền tác giả.

Sự phát triển đáng chú ý trong hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của Bộ luật Dân sự, được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 10 năm 1995 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07 năm 1996, luật hoá toàn bộ các văn bản pháp luật về các vấn đề dân sự đã tồn tại trước đó, đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý cho vấn đề quyền sở hữu và quyền dân sự. Bộ luật Dân sự 1995 ra đời đã thay thế toàn bộ các quy định trước đó về Sở hữu Trí tuệ, bao gồm Pháp lệnh 1989 về bảo hộ quyền Sở hữu Công nghiệp và Pháp lệnh về quyền Tác giả năm 1994. Bộ luật Dân sự quy định đầy đủ các quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá và một số đối tượng đặc biệt khác theo quy định của pháp luật) và quyền tác giả. Để hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, Chính phủ sau đó đã ban hành hàng loạt các văn bản dưới luật tương ứng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và quyền tác giả. Những thay đổi quan trọng trong Bộ luật Dân sự 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành được đưa ra nhằm phù hợp với nội dung của Hiệp định TRIPS và các Công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Bộ luật Dân sự 2005 được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005 đã thay thế Bộ luật Dân sự năm 1995 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Nguợc lại với 26 điều mục về quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong BLDS 1995, BLDS 2005 chỉ bao gồm 4 điều mục về bảo hộ sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Tuy nhiên, phạm vi các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được mở rộng tới cả thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật thương mại, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Liên quan đến vấn đề quyền tác giả, ngoài việc giảm số lượng các điều khoản quy định về quyền tác giả từ con số 25 xuống còn 14 điều, lần đầu tiên trong quá trình phát triển luật Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam, khái niệm “quyền liên quan” đã được sử dụng để thay thế cho thuật ngữ “quyền và nghĩa vụ của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình và tổ chức phát sóng”. Quyền liên quan này sẽ bao gồm quyền của các tổ chứuc và cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, và các tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá.

Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi tiến tới sự ra đời của Luật Sở hữu Trí tuệ số 50/2005 mới, các quy định về SHTT ở Việt Nam được điều chỉnh rải rác tại hơn 40 văn bản pháp luật khác nhau đã tạo ra sự chồng chéo giữa các văn bản này và không phù hợp với điều khoản của Hiệp định TRIPS-WTO. Như một phần trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã pháp điển hoá hàng loạt các quy định và điều khoản xung đột trong lĩnh vực SHTT thành một văn bản có hiệu lực pháp lý chung là Luật Sở hữu Trí tuệ 50/2005, có hiệu lực ngày 01/07/2006. Luật SHTT 50/2005 đã được chủ sở hữu quyền SHTT cũng như các tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SHTT thừa nhận rằng như một bước tiến to lớn trong việc bảo hộ toàn diện các đối tượng SHTT và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPs. Sau đó, hàng loạt các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT 50/2005 cũng đã được ban hành.

1.2 Công ước và Điều ước Quốc tế

Việt Nam đã là thành viên của Công ước Paris về Bảo hộ quyền Sở hữu Công nghiệp và Thoả ước Mađri liên quan đến Đăng ký Quốc tế Nhãn hiệu hàng hoá từ năm 1949. Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp ước Thành lập WIPO từ năm 1976 và gia nhập Hiệp ước Hợp tác Pa-tăng (PCT) năm 1993. Việt Nam không gia nhập Thoả ước NICE, Thoả ước Strasbourg và Thoả ước Locanô, nhưng đã thông qua việc sử dụng Phân loại quốc tế về Hàng hoá và Dịch vụ và Phân loại Quốc tế về Sáng chế (IPC) và Phân loại quốc tế về Kiểu dáng Công nghiệp theo những Thoả ước này. Việt Nam cũng đã chính thức trở thành thành viên của Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm Văn học và Mỹ thuật từ 26/10/2004.

Những bước phát triển tiếp theo trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bao gồm việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Geneve về Bảo hộ Nhà sản xuất Bản ghi âm Chống lại việc Sao chép Không được phép Bản ghi âm của họ vào ngày 06/07/2005, gia nhập các tổ chức quản lý tập thể quốc tế về tác phẩm âm nhạc (Việt Nam là thành viên của CISAC – Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả, Nhạc sĩ và BIEM – Tổ chức Quốc tế đại diện cho các Nhà sản xuất Âm nhạc vào tháng 11/2005). Việt Nam cũng đã phe chuẩn Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối các tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá và Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/01/2006. Nghị định thư Madrid cũng đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 11/07/2006.

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định khung ASEAN về Hợp tác Sở hữu Trí tuệ năm 1996, trong đó sự phù hợp với các quy định của Hiệp định TRIPS là cơ sở cho sự hợp tác của các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định song phương về bảo hộ quyền tác giả vào tháng 06 năm 1997, và sau đó có hiệu lực vào năm 1998, trong đó quy định mỗi nước phải bảo hộ đối với các tác phẩm của nước kia. Việt Nam và Thuỵ Sỹ cũng đã ký kết Hiệp định song phương về Bảo hộ Sở hữu Trí tuệ vào tháng 7/1999.

Hiệp định Thương mại song phương (BTA) mang tính bước ngoặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các vấn đề thương mại đã được ký kết vào ngày 13/07/2000 tại Washington, DC. Theo hiệp định thương mại này, Việt Nam đã đưa ra cam kết đối với hầu hết cấc nghĩa vụ được quy định trong Hiệp định WTO-TRIPS. Sự kiện quan trọng nhất trong tiến trình bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ là việc Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 11/01/2007. Thành công này là bước phát triển tiêp theo của một hiệu định chính thức giữa ViệtNam và Hoa Kỳ về các điều khoản và điều kiện để Việt Nam gia nhập WTO, được ký kết vào ngày 31/05/2006, và việc Quốc hội Hoa kỳ thông qua Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam vào ngày 21/12/2006. Thành quả của các hiệp ước này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, sức khoẻ, giáo dục và các vấn đề phúc lợi xã hội này, cũng như sự phát triển trong lĩnh vực khoa học và văn hoá, bao gồm cả hợp tác về tất cả các lĩnh vực trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ giữa hai bên trong tương lai.

1.3 Các quy định hiện hành về Sở hữu Trí tuệ

Các văn bản dưới đây hình thành một hệ thống pháp luật khá đầy đủ về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam:
(i) Bộ luật Dân sự 2005 được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2005và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 06 năm 2006 (Phần 6, “Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao công nghệ”, Phần VII “Quan hệ Dân sự có yếu tố nước ngoài”, cụ thể là Điều 774 “Quyền tác giả có yếu tố nước ngoài”, và Điều 775 “Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng có yếu tố nước ngoài”;
(ii) Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2004 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2005 quy định về trình tự và thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và thực thi các phán quyết dân sự.
(iii) Bộ luật Tố tụng Hình sự 1999 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 12/1999 (Điều 131 về Quyền tác giả, Điều 156, 157, 189 về hàng giả, Điều 170, 171 về sở hữu công nghiệp)
(iv) Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 11/2003 và có hiệu lực ngày 01/07/2004 quy định về trình tự và thủ tục thụ lý vụ án, điều tra, truy tố, xét xử và thực thi các phán quyết hình sự.
(v) Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2005 và có hiệu lực vào ngày 01/07/2006 (6 Chương, 222 Điều).
(vi) Luật Cạnh tranh năm 2004 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 12/2004 và có hiệu lực từ 01/07/2005 (6 Chương, 124 Điều).
(vii) Luật Hải quan năm 2001 của Quốc hội, được thông qua vào tháng 6/2001 và có hiệu lực từ 01/01/2002 và được sử đổi vào tháng 06/2005.
(viii) Luật Công nghệ Thông tin số 67/2006 được Quốc hội thông qua ngyaf 29/07/2006 và có hiệu lực ngày 01/01/2007.
(ix) Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua ngày 29/06/2006 và có hiệu lực ngày 01/01/2007.
(x) Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được thông qua vào tháng 7/2002 và có hiệu lực từ 01/10/2002.
(xi) Luật Khiếu nại Tố cáo số 9/1998/QH10 của Quốc hội, thông qua vào tháng 12/1998, được sửa đổi và bổ sung theo Luật khiếu nại Tố cáo số 26/2004/QH11 tháng 6/2004 và Luật Khiếu nại Tố cáo số 58/2005/QH11 tháng 11/2005.
(xii) Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.
(xiii) Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan.
(xiv) Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến sở hữu công nghiệp.
(xv) Nghị định số 104/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến quyền đối với giống cây trồng.
(xvi) Nghị định số 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được thông qua vào tháng 9/2006 và có hiệu lực vào tháng 11/2006, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
(xvii) Nghị định 106/2006/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành tháng 9 năm 2006 và có hiệu lực vào tháng 11 năm 2006, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
(xviii) Nghị định 47/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 13 tháng 05 năm 2006 và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2009, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan.
(ixx) Nghị định 101/2001/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành tháng 12 năm 2001, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hải Quan.
(xx) Nghị định 89/2006/ND-CP của Chính phủ, được thông qua ngày 30/06/2006 quy định về quy chế ghi nhãn hàng hóa.
(xxi) Thông tư 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NDD-CP ngày 22/09/2006, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 09/05/2007.
(xxii) Thông tư số 132/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, được thông qua vào tháng 12/2004 và có hiệu lực vào ngày 31/01/2005, hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
(xxiii) Thông tư liên tịch số 129/2004/TTLT-BVHTT-BTC của Bộ Khoa học và Công nghệ, được thông qua tháng 12/2004 quy định hướng dẫn về thiện hiện các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu hải quan.
(xxiv) Thông tư liên tịch số 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC của Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Tài chính, được thông qua tháng 10/2003 quy định hướng dẫn về bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động xuất nhập khẩu hải quan.