Quy định mới về tặng quà và nhận quà tặng tại Việt Nam
image_pdfimage_print

Trên thực tế, việc tặng quà cho người khác và nhận quà tặng từ người khác, dựa trên quan hệ bạn bè, gia đình, họ hàng, là những việc làm bình thường mang nhiều nét văn hóa, truyền thống ở Việt Nam, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám tang, thăm hỏi khi ốm đau, tai nạn, v.v. Tương tự như vậy, việc mời người khác ăn trưa hoặc trao tặng các lợi ích tài chính khác (như đi dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục- đào tạo, v.v.) cũng là những việc làm bình thường tại Việt Nam, nếu những việc đó được thực hiện dựa trên quan hệ bạn bè, gia đình, họ hàng. Ngoài các trường hợp kể trên, việc tặng quà cho người khác hoặc nhận quà tặng từ người khác đều được pháp luật Việt Nam quy định khá chặt chẽ và trong nhiều trường hợp cụ thể, thậm chí còn bị cấm.

Sau nhiều lần sửa đổi đối với Luật Phòng, Chống tham nhũng 2005 vào các năm 2007 và 2012 (“Luật 2005”), Luật Phòng, Chống tham nhũng 2018 đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua vào ngày 20 tháng 11 năm 2018, và đã có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2019 (“Luật 2018”). Để hướng dẫn thi hành đạo Luật nói trên, ngày 1 tháng 7 năm 2019, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP (“Nghị định 59”). Nghị định 59 sẽ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 8 năm 2019. Nghị định 59 sẽ thay thế 9 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phòng, chống tham nhũng và nhận quà tặng, trong đó có Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, được nhiều người biết đến, ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức (“Quyết định 64”). So với Luật 2005 cũng như các nghị định và quyết định hướng dẫn thi hành Luật này, có thể thấy rằng Luật 2018 và Nghị định 59 không chỉ quy định chặt chẽ hơn về việc nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức (bao gồm cả các công ty), đơn vị, cán bộ, công chức, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả các công ty không sử dụng ngân sách Nhà nước (hay công ty tư nhân) và những người quản lý của các công ty này. Bài viết này chỉ tập trung vào các nội dung mới của Luật 2018 và Nghị định 59 liên quan đến hành vi nhận quà tặng áp dụng đối với các công ty tư nhân (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam và với những người quản lý của các công ty này (bao gồm cả người nước ngoài) sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Cấm nhận quà tặng

Điều 22 của Luật 2018 quy định rằng trong mọi trường hợp, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức, từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Điều 25 của Nghị định 59 xác nhận việc cấm tương tự. Có thể thấy rằng Luật 2018 và Nghị định 59 không cho phép đối với bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Nếu như trước đây (tức là trước ngày 1 tháng 7 năm 2019), việc nhận quà tặng có giá trị dưới 500.000 đồng là được phép theo Quyết định 64 mà người nhận quà tặng không cần phải báo cáo, thì nay không có ngoại lệ nào được cho phép theo Luật 2018 và Nghị định 59.

Báo cáo về việc nhận quà tặng

Các Điều 25 và 26 của Nghị định 59 quy định bổ sung rằng trong trường hợp không thể từ chối nhận quà tặng, các cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị sẽ có nghĩa vụ quản lý và nộp lại quà tặng cho người được cơ quan, tổ chức, đơn vị đó ủy quyền xử lý quà tặng. Nếu người nhận quà tặng là người có chức vụ, quyền hạn, họ sẽ có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu khắt khe hơn, trước tiên bằng cách lập báo cáo và sau đó nộp lại quà tặng đã nhận cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị của họ hoặc cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị cấp trên trực tiếp, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận quà tặng. Báo cáo phải có tất cả các thông tin bắt buộc như (i) họ tên và chức vụ của người tặng quà, (ii) tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị nơi người tặng quà đang làm việc, (iii) loại và giá trị của quà tặng đã nhận, (iv) thời gian, địa điểm và hoàn cảnh khi đưa và nhận quà tặng, và (v) mối quan hệ giữa người tặng quà và người nhận quà tặng.

Xử lý quà tặng đã nhận

Tùy thuộc vào đặc tính của quà tặng đã nhận, việc xử lý đối với quà tặng đã nhận của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có chức vụ, quyền hạn sẽ phải tuân theo các thủ tục khác nhau. Nói một cách ngắn gọn, Điều 27 của Nghị định 59 quy định rằng:

1.   Nếu quà tặng bằng tiền mặt (ví dụ: tiền, giấy tờ có giá), quà tặng sẽ được nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước, theo quy định của pháp luật liên quan.

2.   Nếu quà tặng bằng hiện vật, quà tặng sẽ được xử lý theo các bước sau:

(a) Trước hết giá trị của quà tặng phải được xác định trên cơ sở giá của quà tặng được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá.

(b) Sau đó, quà tặng sẽ được bán hết thông qua đấu giá công khai, theo quy định của pháp luật liên quan.

(c) Số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước trong vòng 30 ngày kể từ khi hoàn thành phiên đấu giá công khai.

3.   Đối với quà tặng là các lợi ích tài chính (như dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, v.v.) thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có chức vụ, quyền hạn đã nhận quà tặng phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà về việc không sử dụng các lợi ích tài chính đó. Thông báo nên được thực hiện bằng văn bản.

4.   Nếu quà tặng nhận được là thực vật, động vật, thực phẩm tươi, sống hoặc hiện vật khác khó bảo quản, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tự đưa ra quyết định xử lý hoặc báo cáo cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc xử lý quà tặng đã nhận được.

Trong mọi trường hợp, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày xử lý quà tặng, các cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị xử lý quà tặng, sẽ có nghĩa vụ thông báo cho các cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị nơi người tặng quà đang làm việc hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã nhận quà, để xem xét và giải quyết hành vi tặng quà theo thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, thông báo phải được thực hiện bằng văn bản.

Xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng

Điều 28 của Nghị định 59 chỉ quy định rằng Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn vi phạm Luật 2018 và Nghị định 59 liên quan đến việc nhận, xử lý, báo cáo và giải quyết các quà tặng đã nhận được sẽ phải chịu (i) các hình thức kỷ luật liên quan theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức, cũng như (ii) các hình thức xử phạt có liên quan theo quy định pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước.

Luật 2018 và Nghị định 59 không dẫn chiếu đến bất kỳ tội phạm có liên quan nào được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, hành vi tặng hoặc nhận quà tặng có thể cấu thành hành vi đưa hoặc nhận hối lộ được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự 2015. Trên cơ sở đó, ngoài các hình thức kỷ luật và hình thức xử phạt vi phạm hành chính do Luật 2018 và Nghị định 59 quy định, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, người đưa hoặc người nhận quà tặng cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. Xin lấy ví dụ, Điều 354 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định rằng người nào lạm dụng quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian, nhận hối lộ, cho bản thân hoặc cho người/tổ chức khác, như một điều kiện để làm hoặc không làm một số nhiệm vụ vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, sẽ bị kết án tù có thời hạn:

1.   Từ 2 năm đến 7 năm, nếu của hối lộ nhận được có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2.   Từ 7 năm đến 15 năm, nếu của hối lộ nhận được có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3.   Từ 15 năm đến 20 năm, nếu của hối lộ nhận được có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4.   20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu của hối lộ nhận được có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Tương tự, Điều 364 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định rằng người nào trực tiếp hoặc qua trung gian đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng đến việc người đó làm hoặc không làm một số nhiệm vụ vì lợi ích của hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, sẽ bị kết án tù có thời hạn:

1.   Từ 6 tháng đến 3 năm, nếu của hối lộ được đưa có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2.   Từ 2 năm đến 7 năm, nếu của hối lộ được đưa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3.   Từ 7 năm đến 12 năm, nếu của hối lộ được đưa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4.   Từ 12 năm đến 20 năm, nếu của hối lộ được đưa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên./.

Trở lại